Nếu tìm kiếm cụm từ ‘An toàn phòng cháy chữa cháy ở chung cư’ trên internet, có hơn 1,07 triệu kết quả được tìm thấy, điều này chứng tỏ chủ đề này luôn là điểm nóng được quan tâm.
Thế nhưng dù được quy định rất rõ ràng trong luật an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), các thông tư, nghị định ý thức an toàn PCCC ở căn hộ chung cư vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.
Nguy cơ tiềm ẩn từ…người dân
Công trình nhà ở chung cư hiện nay là loại tổ hợp công trình cao tầng có nhiều chức năng hỗn hợp bao gồm căn hộ chung cư, thương mại, dịch vụ nhà hàng, siêu thị, nhà trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng, gara để xe, công trình vui chơi giải trí, rạp chiếu phim.
Vì vậy, khi thiết kế về PCCC của công trình, các chủ đầu tư đều phải có giải pháp đồng bộ về kiến trúc, kết cấu và cơ điện. Trong quá trình thiết kế, áp dụng các quy chuẩn để thiết kế, sau đó cần phải được thẩm duyệt bởi Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn hoặc Sở PCCC tùy theo cấp độ công trình.
Việt Nam không thiếu những quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nói chung và quy định về PCCC ở những khu chung cư nói riêng, thế nhưng, khi đưa căn hộ chung cư vào sử dụng, tình hình tuân thủ an toàn PCCC lại phụ thuộc rất nhiều vào cư dân.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc thực thi quy định an toàn cháy nổ chưa hiệu quả, trong đó quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ quy định, luật pháp của người dân chưa cao.
Bà T.T.H, ở chung cư, cho biết trước khi vào ở chung cư bà chưa chú ý đến vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC). Mặc dù chủ đầu tư có trang bị các thiết bị PCCC ở hành lang nhưng chỉ biết đóng hộp bỏ đó, khi được hỏi nơi đặt bình chữa cháy, phải mất một lúc tìm kiếm mới chỉ đúng chỗ.
Trong nhiều vụ cháy nguyên nhân gây cháy do sự bất cẩn, chủ quan của cư dân sống trong các chung cư. Không ít người khi ra khỏi phòng quên tắt các hệ thống điện, đèn, ổ cắm, bếp điện từ… Còn tại các khu vực bỏ rác, bà con vô tư bỏ vật liệu dễ gây cháy nổ như giấy lộn, túi nilông vào hệ thống rác.
Ở nhiều chung cư, để thuận tiện di chuyển giữa các tầng, người dân còn chặn các cửa thang thoát hiểm bằng vật dụng cồng kềnh, hoặc tận dụng không gian chiếu nghỉ thang thoát hiểm đặt để các vật dụng cũ, nội thất không sử dụng.
Đây là những nguy cơ tiềm ẩn đối với đảm bảo an toàn PCCC cho người dân, đặc biệt là khi xảy cháy. Ban Quản lý các chung cư dù có nhắc nhở, xử lý nhưng cũng không thể nào kiểm soát tình trạng này 24-7.
Luôn đặt an toàn PCCC lên hàng đầu
Để giải quyết tình trạng này, các chủ đầu tư phát triển căn hộ chung cư cần chú trọng hơn nữa đến an toàn PCCC, luôn đặt an toàn PCCC lên hàng đầu trong công tác thiết kế, xây dựng và vận hành.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư các tòa nhà cao tầng cũng cần trang bị đầy đủ thiết bị chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn trên lối thoát nạn, các cầu thang thoát hiểm.
Trong công tác vận hành quản lý, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, ban quản trị tòa nhà cũng cần nghiêm túc tuân thủ các quy định, quy trình về an toàn PCCC, kiểm tra hệ thống PCCC thường xuyên, tối thiểu là định kỳ 1 năm/1 lần với các đơn vị giám sát độc lập nhiều kinh nghiệm để nắm rõ tình trạng của hệ thống, các thiết bị báo cháy, báo khói, chữa cháy (nước, khí…) các thiết bị điện, thông gió, hút khói… và hệ thống điều khiển trung tâm, các hệ thống cửa và lối thoát hiểm, hành lang an toàn PCCC của công trình.
Bên cạnh đó, các cư dân của căn hộ chung cư cũng cần được hướng dẫn chi tiết, tập huấn về an toàn PCCC, vừa để bảo vệ tính mạng tài sản của mình, vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân vì một cộng đồng cư dân an toàn, văn minh, hiện đại.
Sự thờ ơ có thể lấy mất sự an toàn của chính bản thân và gia đình mình, vì vậy an toàn PCCC tại căn hộ chung cư không phải là câu chuyện của riêng ai, mà cần sự ý thức, tuân thủ và hợp tác cao nhất từ mỗi cư dân và ban quản trị các tòa nhà.
https://nhadat.tuoitre.vn/y-thuc-an-toan-phong-chay-chua-chay-chuyen-dai-tap-o-can-ho-chung-cu-20200827174803185.htm